Vốn điều lệ là gì? Những thông tin cần biết về vốn điều lệ

Bất cứ cá nhân hay doanh nghiệp nào khi muốn thành lập công ty chắc hẳn sẽ quan tâm đến vốn điều lệ. Vậy vốn điều lệ là gì, có vai trò, ý nghĩa quan trọng gì? Hãy cùng Kế toán Thuận Việt tìm hiểu qua bài viết bên dưới nhé!

1. Vốn điều lệ là gì?

Theo khoản 34 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020: “Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên công ty, chủ sở hữu công ty đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty cổ phần”.

Tuy nhiên, vốn điều lệ không chỉ ra được tiềm lực tài chính của doanh nghiệp. Bởi có những doanh nghiệp mới thành lập, không có vốn nhiều, cơ sở vật chất hạn chế vẫn đăng ký vốn điều lệ cao. Mục đích của việc đăng ký vốn “ảo” này là do doanh nghiệp muốn tạo lợi thế kinh doanh sau này, dễ dàng vay tiền cũng như xoay vòng vốn.

Vốn điều lệ không chỉ là tiền giấy thông thường mà còn có thể là vàng, ngoại tệ hoặc các tài sản khác như quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, các bí quyết về công nghệ, kỹ thuật sản xuất,…

von-dieu-le-2

Vốn có thể được góp dưới nhiều hình thức giá trị tài sản

2. Vai trò, ý nghĩa của vốn điều lệ

Vốn điều lệ có vai trò và ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với các doanh nghiệp:

  • Là một trong những điều kiện cần, là cơ sở để xác định điều kiện kinh doanh hợp lệ, bởi một số ngành nghề có đặc điểm riêng.
  • Thể hiện cam kết của doanh nghiệp đối với khách hàng, thể hiện qua tài sản hoặc cổ phiếu. Vốn điều lệ càng cao, độ uy tín của doanh nghiệp càng lớn.
  • Giúp xác định được phần trăm vốn góp, cổ phần của công ty. Từ đó làm cơ sở phân chia quyền và nghĩa vụ của mỗi thành viên, cổ đông trong công ty. Ngoài việc phân chia về tiền lời, tài sản mà còn phân chia trách nhiệm đối với các khoản nợ.

Ví dụ:

Công ty TNHH X có hai thành viên là A và B, vốn điều lệ là 1 tỷ. Ông A góp 60% – tương đương 600 triệu, ông B góp 40% – tương đương 400 triệu.

Khi công ty kinh doanh có lời, lợi nhuận sau thuế là 500 triệu, ông A sẽ được nhận 60% lợi nhuận là 300 triệu, ông B nhận 40% lợi nhuận là 200 triệu.

Tuy nhiên, nếu công ty thua lỗ dẫn đến phá sản với tiền lỗ cụ thể là 1,5 tỷ. Ông A sẽ chịu trách nhiệm hữu hạn là 600 triệu, ông B chịu trách nhiệm 400 triệu là 1 tỷ (trong phạm vi vốn đã góp). Phần tiền nợ còn lại (500 triệu) chủ doanh nghiệp không phải chịu trách nhiệm do vượt quá vốn điều lệ đã cam kết ban đầu.

von-dieu-le-3

Vai trò và ý nghĩa của vốn điều lệ vô cùng quan trọng đối với doanh nghiệp

3. Quy định về vốn điều lệ của các loại hình kinh doanh

Mỗi loại hình kinh doanh sẽ có cách phân chia vốn điều lệ khác nhau. Cụ thể là:

3.1. Vốn điều lệ công ty cổ phần

Theo điều 112 Luật Doanh nghiệp 2020: “Vốn điều lệ của công ty cổ phần là tổng mệnh giá cổ phần các loại đã bán. Vốn điều lệ của công ty cổ phần khi đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng mệnh giá cổ phần các loại đã được đăng ký mua và được ghi trong Điều lệ công ty”.

Cổ đông của công ty sẽ có lợi nhuận cổ phần khác nhau, tùy theo lượng cổ phiếu đã mua.

3.2. Vốn điều lệ công ty TNHH 1 thành viên

Theo điều 45 Luật doanh nghiệp 2020: “Vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khi đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng giá trị tài sản do chủ sở hữu công ty cam kết góp và ghi trong Điều lệ công ty”.

Chủ sở hữu công ty sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm về nợ và nghĩa vụ cũng như lợi ích, nằm trong phạm vi đăng ký vốn điều lệ.

von-dieu-le-1

Quy định khác nhau về vốn điều lệ đối với loại hình kinh doanh khác nhau

3.3. Vốn điều lệ công ty TNHH 2 thành viên trở lên

Theo điều 47 Luật doanh nghiệp 2020: “Vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên khi đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng giá trị phần vốn góp của các thành viên cam kết góp và ghi trong Điều lệ công ty”.

Các thành viên thành lập công ty sẽ chịu trách nhiệm về nợ và nghĩa vụ, lợi ích tài sản khác nhau, tùy theo tỷ lệ vốn góp. Trừ trường hợp thành viên chưa góp vốn hoặc góp chưa đủ vốn (xem thêm tại khoản 4 điều 47 Luật doanh nghiệp 2020)

4. Thời gian góp vốn điều lệ

Thời gian góp vốn điều lệ tương tự cho tất cả các loại hình kinh doanh. Chủ doanh nghiệp/ cổ đông phải góp vốn đủ và đúng loại tài sản đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày. Thời gian kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Trong trường hợp không đóng đủ vốn điều lệ, chủ doanh nghiệp cần phải khai báo lại mức vốn đăng ký. Phần vốn khai mới sẽ bằng với số vốn đã góp trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ.

Phía trên, chúng tôi đã cung cấp cho các bạn những thông tin về vốn điều lệ. Hy vọng bạn đúc kết được kinh nghiệm hữu ích cho doanh nghiệp của mình. Nếu có thắc mắc hoặc cần tư vấn, hãy liên hệ ngay cho Kế toán Thuận Việt nhé!

Trả lời