Đối với doanh nghiệp sử dụng dịch thụ thuê ngoài thực hiện công việc báo cáo thuế và quyết toán thuế sẽ rơi vào một trong 3 hình thức của hợp đồng dịch vụ sau:
- Dịch vụ kế toán thuế trọn gói
- Dịch vụ kế toán thuế soát xét
- Dịch vụ quyết toán thuế cuối năm (Chỉ theo vụ việc cuối năm, làm 1 lần trước kỳ quyết toán).
- Dịch vụ khác theo vụ việc phát sinh như: hoàn thuế GTGT, tư vấn thuế vụ việc…
Trường hợp thứ 2 được hiểu là: Doanh nghiệp tự bố trí nhân sự biên tập hồ sơ, thực hiện giao dịch hành chính thuế, kê khai báo cáo thuế, ghi nhận sổ sách kế toán thuế và đơn vị / cá nhân cung cấp dịch vụ sẽ soát xét, đánh giá lại tính trung thực, hợp lý, hợp lệ của các báo cáo cũng như hồ sơ chứng từ theo định kỳ Tháng/Quý/Năm (tùy theo thỏa thuận cụ thể). Có thể bao gồm việc tư vấn định hướng tổ chức công tác kế toán thuế hoặc không.
Trường hợp thứ 3 là doanh nghiệp tự kê khai báo cáo thuế hàng tháng/quý nhưng cuối năm vì lý do nào đó không thể hoặc có sự thay đổi nhân sự bất thường dẫn tới phải thuê dịch vụ quyết toán thuế 1 lần. Việc thuê dịch vụ loại này cũng có 2 cách làm: Cách 1 là đơn vị/cá nhân cung cấp dịch vụ nhận số liệu kế toán tổng hợp và các tờ khai thuế trong năm đã thực hiện để lập báo cáo; Cách 2 là đơn vị / cá nhân cung cấp dịch vụ phải ghi nhận lại toàn bộ số liệu phát sinh trong cả năm tài chính rồi mới lập báo cáo quyết toán.
2. Khi quyết định thuê ngoài dịch vụ kế toán thuế, cần đàm phán các nội dung sau
- Doanh nghiệp thuê dịch vụ kế toán thuế cần đòi hỏi rõ ràng check-list công việc mà bên cung cấp dịch vụ phải làm thay cho công ty / doanh nghiệp mình. Hãy liệt kê thật chi tiết, ví dụ: (1). Thông báo phát hành hóa đơn; (2). Kê khai báo cáo thuế GTGT; (3). Kê khai báo cáo thuế TNCN; (4). Báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn; (5). Giải trình / Phúc đáp với cơ quan thuế khi có vụ việc / giao dịch phát sinh; (6). Hạch toán nghiệp vụ kế toán thuế và in sổ sách kế toán thuế; (7). Lập báo cáo tài chính; (8). Tư vấn – biên soạn – hoàn thiện toàn bộ hồ sơ kế toán thuế (bao gồm các quy chế có liên quan theo luật định); (9). Lập báo cáo quyết toán thuế cuối năm; (10). Giải trình số liệu thanh tra thuế – điều khoản này có thể kèm theo phụ phí ngoài giá phí của hợp đồng.
- Tùy thuộc vào dạng thức của hợp đồng dịch vụ mà doanh nghiệp yêu cầu thì có nội dung thỏa thuận sao cho phù hợp ở 2 mức “Làm thay” hoặc “Tư vấn soát xét” nhưng hãy đảm bảo là phải yêu cầu đủ các nội dung liệt kê ở trên.
- Nên đưa ra điều khoản: “Bên cung cấp dịch vụ kế toán thuế phải đảm bảo và chịu trách nhiệm bảo vệ thành công ít nhất 95% giá trị chi phí được trừ đã ghi nhận và lập trong báo cáo quyết toán thuế”.
- Nên yêu cầu có biên bản bàn giao hồ sơ, tài liệu cho những lần bàn giao hồ sơ tài liệu để thực hiện. Doanh nghiệp đi thuê chỉ nên giao chứng từ và hồ sơ dạng copy, không nên giao bản gốc.
- Nên nêu rõ trách nhiệm bên nào phụ trách việc nộp các tờ khai / báo cáo thuế kèm theo trách nhiệm bảo quản và quản lý hạn dùng của chữ ký số.
- Nên yêu cầu bên cung cấp dịch vụ phải báo cáo nhanh bằng Email từng tháng / quý về các chỉ tiêu: Thuế GTGT còn được khấu trừ / hoặc phải nộp; Tổng doanh thu / Thu nhập chịu thuế; Tổng chi phí hợp lý hợp lệ có thể ghi nhận; Giá trị thuế TNDN dự kiến trong kỳ và giải pháp cho kỳ kế tiếp.
- Cũng nên thỏa thuận trước về việc đơn vị / cá nhân có bao trọn gói sử dụng phần mềm kế toán hay không? nếu có thì giả định khi hợp đồng kết thúc giữa chừng bản quyền phần mềm kế toán đó có chuyển giao lại cho doanh nghiệp hay không? Có chuyển giao giữ liệu để doanh nghiệp tiếp tục công việc kế toán thuế theo cách tự làm hoặc thuê nhà cung cấp khác?
3. Những sai lầm và hiểu lầm từ chính doanh nghiệp / giám đốc doanh nghiệp
- Phần lớn các giám đốc doanh nghiệp nhỏ hiện nay nghĩ một cách quá “đơn giản” rằng chỉ cần thuê người “khai thuế” là xong mà không biết rằng công việc khai thuế hàng tháng/quý có thể chỉ mất 1-2h làm việc để thực hiện cho mỗi tháng/quý. Mà điều cốt yếu quan trọng hơn việc khai thuế là làm sổ sách kế toán thuế, biên soạn các quy chế để kiện toàn hồ sơ giải trình chi phí được trừ trước khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp.
- Hiểu lầm thứ 2 phổ biến là: doanh nghiệp không phân biệt được rạch ròi thuế GTGT, thuế TNCN, thuế TNDN và chỉ nhìn nhận chung chung là “thuế phải nộp”. Xin lý giải rằng, chỉ có thuế TNDN là thuế của doanh nghiệp do doanh nghiệp nộp tùy thuộc vào kết quả kinh doanh (Lỗ/Lãi) trong năm tài chính, còn thuế GTGT và thuế TNCN là không phải của doanh nghiệp mà chỉ là nghiệp vụ “khấu trừ” rồi nộp thay. Bản chất của khấu trừ thuế GTGT chỉ là doanh nghiệp “tạm ứng” tiền nộp thuế rồi “kỳ vọng” thu lại được khi bán hàng ra. (Tác giả tạm không đề cập đến các trường hợp cố tình gian lận và chiếm dụng thuế GTGT). Do đó, hãy tập trung vào việc thực hiện ghi sổ kế toán, tính lãi lỗ và thuế TNDN chứ không phải chỉ khai thuế GTGT là xong.
- Doanh nghiệp thuê dịch vụ kế toán thuế cần ghi nhớ nữa là: Không phải cứ nộp xong báo cáo quyết toán thuế hàng năm là xong, mà còn phải đợi đến khi nào hoàn thành việc thanh kiểm tra thuế của cơ quan thuế quản lý mới thực sự “xong”. Việc này thường phát sinh sau 3-5 năm đối với doanh nghiệp nhỏ.
Như vậy: với các nội dung trình bày trong 3 mục trên, doanh nghiệp hãy tỉnh táo, hãy nhìn nhận vấn đề thật thấu đáo và có lẽ khi đọc tới đây nếu Quý vị là giám đốc hoặc Nhà quản lý thì quý vị bắt đầu nhận ra rằng: không đời nào có được các kết quả tốt như trong mục 1 và mục 2 trên đây với giá phí dưới 2 triệu đồng / tháng. Lời khuyên chân thành của tác giả là: đừng ham dịch vụ kế toán thuế giá rẻ mà mang họa vào thân sau 3 đến 5 năm sau.